Chỉ được nhập khẩu và lưu thông thép phù hợp với tiêu chuẩn.
Theo ý kiến của cử tri TP. Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, hiện nay tình trạng tồn kho xi măng, sắt thép rất lớn nhưng Chính phủ vẫn cho nhập khẩu sắt thép dẫn đến ngành sản xuất thép trong nước gặp nhiều khó khăn. Cử tri TP Hà Nội đề nghị Chính phủ có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Về vấn đề này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương có văn bản trả lời ý kiến cử tri TP. Hà Nội như sau:
Hiện nay, năng lực sản xuất thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu đối với một số sản phẩm như thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ, ống thép hàn, thép mạ kim loại, thép phủ màu và cuộn thép cán nguội… Tuy nhiên, có một số chủng loại thép khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí… sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu.
Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu thép được thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải xin phép các Bộ quản lý chuyên ngành; sắt, thép không thuộc mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thép ngày càng giảm nên việc nhập khẩu sắt thép từ nước ngoài là điều không thể tránh khỏi, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa thép sản xuất trong nước với thép nhập khẩu của nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, do tình hình kinh tế trong và ngoài nước suy giảm, ngành sản xuất thép gặp khó khăn, tiêu thụ thép trong nước sụt giảm nên có lúc có tình trạng tồn kho thép. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, lượng thép xây dựng tồn kho khoảng 300.000 tấn và phôi thép tồn khoảng 500.000 tấn. Để đảm bảo lượng thép dự trữ và phôi thép đủ cho sản xuất, đáp ứng mục tiêu bình ổn thị trường, không để thiếu thép nên với số lượng thép xây dựng và phôi thép lưu kho nêu trên là bình thường.
Siết chặt quản lý chất lượng thép
Để nâng cao việc quản lý hàng nhập khẩu, ngăn chặn gian lận thương mại, hạn chế thép giá rẻ, không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong giai đoạn khó khăn, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các biện pháp sau:
– Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCT ngày 7/8/2012 cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn chỉ đạo hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu thép (Công văn số 1493/BTC-TCHQ).
– Quản lý chặt chẽ việc đầu tư các nhà máy thép, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất các loại thép mà cung đã vượt quá nhu cầu như: thép xây dựng, phôi thép, thép cán nguội, tôn mạ và tôn phủ màu thông qua việc quản lý Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/1/2013.
– Để làm cơ sở cho việc thẩm định và quản lý các dự án sản xuất gang, thép, khắc phục hiện tượng đầu tư các dự án có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng thiết bị lạc hậu, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm thép sản xuất trong nước, ngày 25/1/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BCT quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép.
– Nhằm hạn chế việc nhập khẩu thép, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và tiêu chuẩn thép nhập khẩu. Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thép phù hợp với tiêu chuẩn hoặc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tương ứng.
Nguồn tin: Chinhphu
Tin khác